Vé cước đường bộ không ghi ngày tháng không được chấp nhận


Phùng Khánh Đoàn - CTY TNHH KHÁNH HỒNG:
Doanh nghiệp tôi có tài sản cố định là xe ô tô lọai 7 chỗ, trong tháng doanh nghiệp có phát sinh cước đường bộ. Trong vé cước đường bộ mặt trước có đầy đủ chỉ tiêu như Tên đơn vị bán hàng, mẫu số 02-05/BGP, Ký hiệu, số chứng từ, mức thu là 300.000đ/tháng (đã bao gồm thuế GTGT), mặt sau có ghi Biển kiểm sóat, có giá trị trong tháng 12/2012. Không có chỉ tiêu ngày, tháng, năm.
Vậy cho hỏi vé cước trên có được xem là hóa đơn GTGT không? Có phải kê khai trên bảng kê mua vào trên tờ khai thuế GTGT tháng không? Nếu có thì kê khai ở chỉ tiêu nào? Khai trên chỉ tiêu hàng hóa dùng cho SXKD đủ điều kiện khấu trừ hay hàng hóa dv không phải tổng hợp trên tờ khai 01/GTGT? Và có tách thuế GTGT không?. Trong vé cước không ghi ngày, tháng, năm vậy cột chỉ tiêu ngày tháng năm phát hành ghi tháng 12/2012 được không?

Cho doanh nghiệp được hỏi tiếp:
1/ Vậy trong trường hợp này doanh nghiệp không được kê khai khấu trừ thuế GTGT là do không có ghi ngày tháng năm hay là do không có tên công ty, địa chỉ, mã số thuế?
2/ Doanh nghiệp có được đưa vé cước trên vào chi phí khi tính thuế TNDN hay không vì vé cước này phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh?
Trả lời
Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh:
Câu hỏi đã được trả lời ngày 14-01-2013.
- Căn cứ Khoản 3.b, Điều 4, Chương I Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoá đơn chứng từ:
“Các trường hợp sau không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc, trừ trường hợp nếu người mua là đơn vị kế toán yêu cầu người bán phải lập hoá đơn có đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại khoản 1 Điều này:
- Hóa đơn tự in của tổ chức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký của người mua, dấu của người bán.
- Đối với tem, vé: Trên tem, vé có mệnh giá in sẵn không nhất thiết phải có chữ ký người bán, dấu của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký người mua.
- Các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.
- Căn cứ Khoản 14, Điều 14, Mục I Chương III Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định:
“Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:
- Hoá đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hoá đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);
- Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;
- Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 11 Điều này);
- Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);
- Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi”.
- Căn cứ Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Trường hợp Công ty có phát sinh cước đường bộ, trên vé cước đường bộ, Trong vé cước đường bộ có chỉ tiêu như Tên đơn vị bán hàng, mẫu số 02-05/BGP, Ký hiệu, số chứng từ, mức thu là 300.000đ/tháng (đã bao gồm thuế GTGT), mặt sau có ghi Biển kiểm sóat, có giá trị trong tháng 12/2012. không có chỉ tiêu ngày, tháng, năm., không có tên, địa chỉ, mã số thuế của Công ty thì vé cước đường bộ này, Công ty không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Nguồn: Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp

Thu nhập từ thanh lý TSCĐ không được ưu đãi thuế


Theo Công văn số 518/TCT-CS ngày 14/02/2011 hướng dẫn quyết toán thuế TNDN năm 2010, thu nhập từ thanh lý TSCĐ liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu đãi được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi:
“4. Thu nhập từ thanh lý tài sản
Thu nhập từ thanh lý tài sản được xác định bằng (=) doanh thu thu được do chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản trừ (-) giá trị còn lại của tài sản chuyển nhượng, thanh lý ghi trên sổ sách kế toán tại thời điểm chuyển nhượng, thanh lý và các khoản chi phí được trừ liên quan đến việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản. Trường hợp phát sinh các khoản thu nhập từ thanh lý tài sản không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu đãi thì doanh nghiệp phải nộp thuế TNDN đối với khoản thu nhập này theo mức quy định, không được áp dụng ưu đãi.”


Trong Thông tư 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 hướng dẫn về thuế TNDN áp dụng cho năm 2012, thu nhập từ thanh lý tài sản được đề cập tại Khoản 5, Điều 7 “Thu nhập khác” nhưng không hướng dẫn chi tiết việc áp dụng thuế suất ưu đãi nếu tài sản thanh lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh được ưu đãi. Vậy, doanh nghiệp có được tiếp tục áp dụng Công văn số 518/TCT-CS cho năm 2012 và các năm tiếp theo không?
Trả lời
Căn cứ Thông tư 123/2012/TT-BTC:
+ Tại điều 7 chương VI  quy định thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), các loại giấy tờ có giá khác thuộc thu nhập khác
Tại khoản 8 điều 18 chương VI quy định việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không áp dụng đối với: “Các khoản thu nhập khác quy định tại Điều 7 Thông tư này”.
Trường hợp Công ty đang trong thời gian được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế TNDN, có phát sinh doanh thu bán tài sản cố định thanh lý thì thu nhập từ thanh lý tài sản cố định tính vào thu nhập khác, không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Nguồn: http://tphcm.gdt.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b0/04_Sj9CPykssy0xPLMnMz0vMAfGjzOINTCw9fSzCgv29XJzMDTxdg3wdzd0tjQx8zfQLsh0VATgWHxU!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/tphcm/site/news/cucthue/144815aa-08bd-4084-899e-149cfafda165#

Hạch toán khoản doanh thu bán phế liệu (711 hay 511)


Trả lời:
Tại Chế độ kế toán DN (Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC) chưa hướng dẫn cụ thể khoản tiền bán phế liệu. Nay tại công văn số 16400/BTC-CĐKT ngày 25/12/2006 trả lời Cục thuế tỉnh Long An, Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc hạch toán khoản tiền bán phế liệu như sau:

1. Nếu bán thẳng không qua nhập kho:
-       Ghi doanh thu khi bán:
       Nợ các TK 111, 112, 131,...(Tổng giá thanh toán)
            Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
            Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311)
-       Kết chuyển giá vốn hàng bán và ghi giảm chi phí:
       Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
             Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

2. Nếu qua nhập kho:
-   Khi nhập kho, ghi:
      Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
            Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
-       Khi bán, ghi
      Nợ các TK 111, 112, 131,... (Tổng giá thanh toán)
            Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
            Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311)
Đồng thời kết chuyển giá vốn hàng bán:
      Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
            Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Theo VACPA